logo

header-ad

NHỮNG NGUY CƠ TIỀM ẨN ẢNH HƯỞNG TỚI MÔI TRƯỜNG SAU SỰ CỐ CHÁY CÔNG TY CP BÓNG ĐÈN PHÍCH NƯỚC RẠNG ĐÔNG

Nếu có bóng đèn huỳnh quang thì đương nhiên có chứa thủy ngân.
Hiện nay có nhiều công nghệ làm đèn như làm đèn led, đèn laze thì không sử dụng thủy ngân nữa. "Ngoài thủy ngân, một số chất khác cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng không nhiều như vonfram, tác dụng kích thích nóng để cho thủy ngân phát quang..."
Thủy ngân là kim loại nặng, rất độc hại, song bên trong mỗi bóng đèn compact đều chứa một hàm lượng thủy ngân nhất định. Do đó, nếu thủy ngân phát thải ra môi trường sẽ gây ra mối nguy hại rất lớn, đặc biệt khi xâm nhập vào cơ thể còn có thể gây hại cho hệ thần kinh, nặng hơn là gây bệnh về máu, tủy,... Bởi vậy, việc nhà máy Rạng Đông bị cháy đã khiến không ít người lo lắng
PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết trong bóng đèn huỳnh quang có một số các chất hóa học có thể gây hại cho sức khỏe con người.
"Trong mỗi bóng đèn có vài mg thủy ngân, nhưng lượng thủy này đều đã được quy định ở mức tương đối an toàn, ví dụ có vỡ ra thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, khi số lượng bóng đèn vỡ lớn, người ta phải tính toán xem lượng thủy ngân này có thoát được không, lượng tồn dư bao nhiêu, vượt thế nào so với chuẩn cho phép trong không khí, từ đó đưa ra khuyến cáo cho người dân", ông Côn phân tích.
"Ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm, và một số hóa chất khác. Các chất này cũng có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, chúng ta cần đo đạc mới biết chính xác được khu vực cháy có bị ô nhiễm các chất này không", vị chuyên gia cho biết
Thủy ngân là gì?
Thủy ngân (Hg) là kim loại nặng, tồn tại ở 3 dạng: nguyên tố, vô cơ và hữu cơ. Thủy ngân không tan trong nước, có nhiệt độ đông đặc thấp (-390 ºC). Ở nhiệt độ phòng thủy ngân ở trạng thái lỏng và dễ bốc hơi vì vậy con người rất dễ uống hoặc hít phải gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thủy ngân nguyên tố có trong các vật dụng quen thuộc như nhiệt kế thủy tinh, máy đo huyết áp, công tắc điện, bóng đèn,...
Thủy ngân trong bóng đèn độc như thế nào?
Theo PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, cấu tạo của bóng đèn compact, đèn huỳnh quang bên ngoài là vỏ thủy tinh, nhựa còn bên trong có hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím chiếu vào vỏ huỳnh quang. Do đó, khi bóng bị cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome (một loại chất độc hại), đồng thời thủy ngân cùng bột huỳnh quang bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí.
Dù được đánh giá là thân thiện với môi trường khi sử dụng nhưng lại làm phát sinh nhiều chất thải độc hại trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, khi những chiếc bóng đèn compact tiết kiệm điện vẫn đang hoạt động tốt thì điều đó đồng nghĩa với việc lượng thủy ngân vẫn còn được chứa trong bóng đèn và sẽ không gây ra vấn đề gì. Thế nhưng, ngược lại, chúng sẽ trở thành mối nguy hại vô cùng lớn nếu không được làm sạch và xử lý đúng cách.

Ảnh hưởng của thủy ngân với sức khỏe con người

Theo khuyến cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA): Tiếp xúc với thuỷ ngân ở lượng thấp (dưới 5 miligrams) cũng có thể gây ra các hiện tượng run rẩy tay chân, thay đổi tính tình, bị mất ngủ, mệt mỏi cơ bắp, và chứng nhức đầu.
Khi hít phải, thủy ngân nguyên tố gây độc rất nhanh qua đường hô hấp, sau đó theo máu đến gan, thận, lá lách,... và hệ thần kinh trung ương và gây tổn thương các bộ phận này. Ngộ độc thủy ngân nguyên tố gây ra các triệu chứng như nôn, khó thở, ho, chảy máu chân răng,...
Còn nếu tiếp xúc ở liều lượng cao hoặc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến chứng đần độn, thay đổi nhân cách, điếc, mất trí nhớ, thậm chí là hủy hoại nhiễm sắc thể; các tế bào thần kinh, não, và thận cũng sẽ bị hủy hoại nặng. Chất thủy ngân độc hại này còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của bào thai và trẻ em. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác.
Ở người lớn, thủy ngân nguyên tố sẽ được thải ra qua phân và nước tiểu sau khoảng 60 ngày. Khi hít phải thủy ngân trong một thời gian dài, thủy ngân tích tụ trong cơ thể sẽ bị tích tụ tại não, oxi hóa thành dạng ion, kết hợp với một số chất khác cản trở hoạt động của các enzyme và tế bào, gây tổn thương vĩnh viễn các cơ quan nội tạng và tử vong.
Thủy ngân vô cơ thường có trong pin và các loại thuốc sát trùng,... Loại thủy ngân này độc hơn thủy ngân nguyên tố. Nó là chất ăn mòn và gây bỏng trực tiếp trên bề mặt niêm mạc. Khi xâm nhập vào máu, thủy ngân vô cơ sẽ gây mất máu, mất nước, suy thận, tích lũy ở thận và não gây tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong. Chỉ 1 - 4 miligrams thủy ngân có thể gây tử vong ở người trưởng thành.
Thủy ngân hữu cơ thường có trong những môi trường bị ô nhiễm, từ đó nhiễm vào các loài động vật sống trong môi trường đó như cá, hải sản... Thủy ngân hữu cơ độc hơn thủy ngân vô cơ. Thủy ngân hữu cơ rất dễ hấp thụ vào cơ thể qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và qua da. Chỉ một lượng khoảng 10 miligrams thủy ngân hữu cơ đã đủ gây hại cho hệ thần kinh và khả năng sinh sản của người. Nếu nuốt phải trên 10 miligrams thì sẽ gây tử vong ở người trưởng thành.

Ảnh hưởng của thủy ngân đối với động vật

Khi thủy ngân phát thải vào nguồn nước và xâm nhập vào cơ thể của các loài động vật nếu chúng uống phải nguồn nước bị ô nhiễm thủy ngân, thì cũng có thể dẫn đến tình trạng sảy thai và thay đổi DNA ở động vật, cũng như làm hủy hoại các bộ phận trong cơ thể động vật như: thận, dạ dày và ruột...

Ảnh hưởng của thủy ngân đối với môi trường

Không chỉ ảnh hưởng đến con người và các loài động vật mà thủy ngân cũng gây ra những tác nhân gây hại cực lớn đến môi trường. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) khẳng định, chỉ tính riêng Hoa Kỳ, khi thủy ngân từ bóng đèn bị phá vỡ, thải ra ngoài môi trường cũng dễ bị rò rỉ vào hệ thống nước hoặc trôi nổi trong không khí cho tới bề mặt của các lớp đất, theo đó, chất thủy ngân độc hại này có thể xâm lấn sang các loại động vật và thực vật, từ đó tiềm ẩn mối nguy hại cho con người nếu vô tình ăn phải.
(Tổng hợp)